TS. Trần Thị Kim Chi, Trưởng phòng Hiển vi điện tử, Viện Khoa học vật liệu được trao giải thưởng L’Oréal-UNESCO vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2023

27/11/ 2023 5 lượt xem

Chiều ngày 24/11/2023, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chương trình Giải thưởng Khoa học L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science) đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Nhà Khoa học nữ xuất sắc năm 2023 cho 3 Nhà khoa học nữ Việt Nam có các đề án nghiên cứu tiềm năng trong lĩnh vực Khoa học vật liệu và Khoa học sự sống

Tham dự buổi Lễ có GS.VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học tại Việt Nam; Ông Benjamin Rachow, Tổng Giám đốc L’Oréal Việt Nam; Ông Olivier Brochet, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành; Lãnh đạo các Viện, trường Đại học và các nhà khoa học.

Từ năm 2009, Giải thưởng khoa học L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học đã được giới thiệu đến Việt Nam nhằm hỗ trợ khuyến khích việc nâng cao kiến thức khoa học, sự sáng tạo và đam mê từ “một nửa của thế giới” là những nhà khoa học nữ trên toàn thế giới. Trong suốt 14 năm qua, Giải thưởng khoa học được dành riêng cho nữ giới này đã vinh danh 38 nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam qua những nghiên cứu được đánh giá là có ý nghĩa khoa học quan trọng, góp phần cải thiện và thay đổi cuộc sống của cộng đồng và thể hiện niềm đam mê của họ với nghiên cứu khoa học.

Trao Giải thưởng L’Oréal– UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học cho 3 Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2023

Phát biểu tại buổi Lễ, GS.VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ rằng Giải thưởng L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học là dịp để tôn vinh, động viên, khích lệ các nhà khoa học nữ trong cả nước nỗ lực, phấn đấu để có những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào phục vụ cuộc sống, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. 

GS. VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Ông cũng cho biết thêm thế giới được định hình bởi sự tò mò vô biên của các nhà khoa học, bởi động lực mạnh mẽ của họ để khám phá những điều chưa biết và mong muốn sâu sắc làm sáng tỏ những bí ẩn của vũ trụ. Những đóng góp của các nhà khoa học nữ được tôn vinh trong 14 năm qua đã vượt xa ranh giới của phòng thí nghiệm và các bài nghiên cứu để đi sâu vào cuộc sống hàng ngày, làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về thế giới.

Ông Benjamin Rachow, Tổng Giám đốc L’Oréal Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Hành trình làm khoa học không hề dễ dàng nhất là đối với các nhà khoa học nữ. Nó được ghi dấu bằng những thử thách, thất bại và vô số giờ làm việc vất vả, cũng như thể hiện sự kiên cường và niềm đam mê vượt qua ranh giới của những hiểu biết đã có. Tuy nhiên, chính nhờ quá trình tìm hiểu và khám phá này mà chúng ta đã đạt được những bước nhảy vọt về phía trước. Thay mặt cho Hội đồng khoa học L’Oréal – UNESCO vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học tại Việt Nam, GS. VS. Châu Văn Minh trân trọng chúc mừng thành công của các nhà khoa học nữ được vinh danh năm 2023 và mong rằng các nhà khoa học nữ Việt Nam sẽ tiếp tục đam mê, tiếp tục theo đuổi con đường khoa học để đóng góp cho sự tiến bộ của nền khoa học Việt Nam.

Ba ứng viên được vinh danh Nhà Khoa học nữ xuất sắc năm 2023 đến từ Viện Khoa học vật liệu thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trường Đại học Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Huế với các đề án nghiên cứu liên quan đến phát triển quy trình phát hiện gen kháng kháng sinh sàng bằng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số, tìm hiểu khả năng kháng khuẩn và ức chế hội chứng bệnh từ cây dược liệu đặc hữu ở Việt Nam và nghiên cứu về pin ion kim loại đa hóa trị sử dụng vật liệu nano MnO2 lai hóa với graphene làm vật liệu điện cực Dương.

  

  1. TS. Trần Thị Kim Chi, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với đề tài Nghiên cứu chế tạo pin ion kim loại đa hóa trị sử dụng vật liệu nano MnO2 lai hóa với graphene làm vật liệu điện cực dương.
  2. PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Hoài, Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, với đề tài Phát triển quy trình phát hiện gen kháng kháng sinh của Pseudomonas aeruginosa trực tiếp từ các mẫu lâm sàng bằng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số.
  3. PGS. TS. Nguyễn Thị Ái Nhung, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, với đề tài Nghiên cứu chống nhiễm khuẩn và hội chứng bệnh từ cây thuốc đặc hữu ở Việt Nam: Mối tương quan giữa hợp chất tự nhiên và cấu trúc protein.

Những nhà khoa học nữ xuất sắc này đã thể hiện sự cam kết trong việc nâng cao kiến thức, thách thức các giới hạn trong lĩnh vực chuyên môn để đạt được kết quả đáng tự hào và đóng góp đáng kể cho sự tiến bộ của nhân loại. Giải thưởng là minh chứng của sự cống hiến, tận tâm và không ngừng nghỉ trong việc theo đuổi tri thức khoa học. Đây cũng là sự công nhận, tôn vinh và ủng hộ đối các nhà khoa học nữ, những người đã và đang thúc đẩy sự tiến bộ và truyền cảm hứng vươn tới những chân trời mới. Các nhà khoa học đạt giải sẽ trở thành đại sứ của tri thức, sự tiến bộ và nguồn cảm hứng. 

Tiến sĩ Trần Thị Kim Chi
Trưởng phòng Hiển vi điện tử, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Sau khi ra mắt cách đây hơn 3 thập kỷ, pin ion liti (LIB) đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu vì mật độ dự trữ năng lượng cao và độ bền của chu kỳ xạc/xả. Đến hiện tại, 2 loại pin LIB và pin chì acid (LAB) là 2 loại pin đang thống trị thị trường thiết bị lưu trữ năng lượng và tái tạo năng lượng. Tuy nhiên các báo cáo gần đây cho thấy có nhiều vụ cháy nổ từ quá trình xạc/xả pin hiện tại đang sử dụng, đặc biệt là trong thành phần của pin thương mại còn có các chất độc hại, vì vậy khi cháy sẽ tạo ra khí độc hại cho môi trường và sức khỏe con người. Do đó, các nghiên cứu cải tiến công nghệ pin để đạt được sự an toàn, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường với loại pin xạc không dùng liti trong công nghệ lưu trữ điện năng đang là hướng nghiên cứu quan trọng trong ngành Khoa học vật liệu.

Mục tiêu trong nghiên cứu của TS Trần Thị Kim Chi là tìm hiểu tính chất của thế hệ pin mới là loại pin ion kim loại đa hóa trị, sử dụng vật liệu nano MnO2 lai hóa với graphene làm vật liệu điện cực dương để thay thế cho các loại pin hiện hành do chi phí sản xuất thấp và sự phong phú của các kim loại đa hóa trị. Cơ chế làm việc của pin ion kim loại cho thấy vật liệu điện cực là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu suất điện hóa của thiết bị và các vật liệu oxit kim loại chuyển tiếp lai hóa graphene cho thấy tiềm năng lưu trữ cùng tốc độ phản ứng điện hóa khá nhanh (xạc nhanh). Với sự đa dạng trong thiết kế cấu trúc, tổng hợp từ nguyên vật liệu ban đầu rẻ tiền, đây sẽ là lớp vật liệu điện cực Dương thân thiện với môi trường, trách được việc khai thác mỏ gây ô nhiễm môi trường của các kim loại chuyển tiếp độc hại như coban trong pin ion liti và chì trong pin acid chì đang sử dụng hiện nay. 

Tiến sĩ Trần Thị Kim Chi là tác giả của 52 bài báo quốc tế, 23 bài báo trong nước và chủ trì 8 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và quốc gia với hướng nghiên cứu trọng tâm trong lĩnh vực quang – điện tử, và gần đây là nghiên cứu chế tạo cửa sổ điện sắc kết hợp với lưu trữ năng lượng. 

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài 
Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh 

Kháng kháng sinh hiện được xem là vấn đề y tế nghiêm trọng vì nó tạo ra tác động to lớn đến hiệu quả điều trị và tỷ lệ sống sót đồng thời làm gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và tạo thêm gánh nặng xã hội. Đến năm 2050, kháng kháng sinh ước tính sẽ gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm nếu không có sự can thiệp hiệu quả. Một trong số các giải pháp giúp giảm tình trạng kháng kháng sinh và tăng hiệu quả điều trị là phát triển các phương pháp chẩn đoán nhanh, kịp thời và chính xác tình trạng kháng kháng sinh nhằm trợ giúp việc đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, đồng thời có biện pháp cách ly giảm lây lan các chủng đa kháng, toàn kháng. 
 

Hướng nghiên cứu của PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hoài là phát triển quy trình phát hiện gen kháng kháng sinh (ARG) của trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa trực tiếp từ các mẫu lâm sàng bằng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số.  
 

Trực khuẩn mủ xanh P. aeruginosa là loại vi khuẩn gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng, cả cấp tính và mãn tính, trong một số báo cáo, nó là nguyên nhân số 1 gây ra viêm phổi và suy hô hấp. Vi khuẩn này cũng là 1 trong 6 nhóm/ loài trong danh sách ESKAPE của WHO có khả năng đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng do khả năng đa kháng thuốc của nó. Khả năng này đến từ nhiều gen khác nhau, trong đó 1 số gen có tính quyết định nổi trội tới khả năng kháng những loại thuốc quan trọng trong điều trị.  Nghiên cứu này sẽ áp dụng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số là công nghệ khuếch đại acid nucleic mới được phát triển gần đây. Đây là công nghệ có độ nhạy, độ chính xác, độ lái tập cao, khả năng định lượng vi sinh ngay cả ở nồng độ rất thấp và khả năng hoạt động tốt với các mẫu bệnh phẩm. Nghiên cứu của PGS. TS Thu Hoài sẽ hướng đến việc phát triển các xét nghiệm mới để phát hiện nhanh sự hiện diện của các gen kháng kháng sinh ngay trên mẫu lâm sàng, hỗ trợ tốt hơn cho các y bác sĩ trong chẩn đoán kháng thuốc và gợi ý sử dụng thuốc, từ đó hỗ trợ quá trình điều trị, giảm sự phát triển và lây lan của tính kháng thuốc, đóng góp quan trọng cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. 
 

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hoài là tác giả và đồng tác giả của 3 chương sách và 72 bài báo với 25 bài báo ISI/Scopus trong lĩnh vực nghiên cứu hệ protein (proteomics) và kháng thuốc. 

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ái Nhung
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất và Chuyển giao Công nghệ, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Công nghệ
Trưởng Bộ môn Hóa lý, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

Đề kháng kháng sinh đang làm giảm khả năng phòng và điều trị các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus và ký sinh trùng gây ra. Trong khi đó, các loại thuốc hiện hành thường không đủ hiệu quả để khắc phục tốc độ đột biến của mầm bệnh, vi khuẩn, virus, và sự đề kháng kháng sinh. Do vậy, việc tìm ra các hợp chất tự nhiên có tiềm năng kháng khuẩn, ức chế virus, đóng vai trò là kháng sinh tự nhiên có khả năng thay thế thuốc hiện hành đang trở thành tâm điểm trong nghiên cứu tổng hợp và bào chế thuốc đặc trị giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.

Nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Thị Ái Nhung sẽ hướng đến việc Nghiên cứu về khả năng kháng khuẩn và ức chế hội chứng bệnh từ cây dược liệu đặc hữu ở Việt Nam, tìm ra mối tương quan giữa hợp chất tự nhiên và cấu trúc protein. Mục tiêu của nghiên cứu là sàng lọc các hợp chất tự nhiên từ một số cây dược liệu mới và đặc hữu tại Việt Nam như Gừng đen, Trứng nhện, Tỏi đá Phong Điền, Bồ công anh Việt Nam, nấm dược liệu… và khảo sát chi tiết cấu trúc, tính chất hóa học, tính chất dược lý và hoạt tính sinh học của hợp chất tự nhiên. Từ đó đánh giá khả năng ức chế vi khuẩn và hội chứng bệnh (Alzheimer, tiểu đường, …) của các hợp chất tự nhiên và so sánh với thuốc đối chứng bằng tính toán hóa lượng tử kết hợp với các kỹ thuật mô phỏng hiện đại để tìm ra mối tương quan giữa cấu trúc hóa học và hoạt tính sinh học của các hợp chất này. 

Kết quả nghiên cứu của đề tài là hướng đến việc xây dựng bộ dữ liệu về cấu trúc, tính chất của hợp chất tự nhiên tiềm năng trong ức chế vi khuẩn và một số hội chứng bệnh, làm cơ sở khoa học đáng tin cậy cho các nghiên cứu chuyên sâu về dược chất thiên nhiên và hóa dược để bào chế thuốc có nguồn gốc tự nhiên ứng dụng trong phòng và hỗ trợ điều trị bệnh, giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng.  Đề tài của PGS.TS. Ái Nhung được đánh giá là có ý nghĩa trong việc đóng góp các chất có hoạt tính sinh học cho kho tàng hóa học các hợp chất thiên nhiên, gợi mở những vấn đề thú vị cho nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm và, tạo cơ sở ứng dụng dữ liệu tính toán áp dụng đối với các hợp chất trong nghiên cứu y sinh, dược học. 

PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung đã công bố 37 công trình Quốc tế trong đó có 27 công trình đứng tên đầu, là đồng tác giả của 03 sách chuyên ngành, chủ nhiệm 04 đề tài nghiên cứu khoa học.

 

Nguồn tin và ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Xử lý tin: Nguyễn Hoàng

    Phòng hỗ trợ nhân sự